Đối ngoại Minh_Mạng

Với Trung Quốc

Giống như vua cha, Minh Mạng chủ trương tiếp tục triều cống và giữ quan hệ ngoại giao hữu hảo với nhà Thanh. Khi lên ngôi, ông đã nhận sự phong vương của vua nhà Thanh. Tuy nhiên, triều Nguyễn duy trì đường lối đối nội tự chủ. Theo nhận xét của giáo sư Yu Insun, các vua nhà Nguyễn chỉ xưng thần với nhà Thanh một cách hình thức, còn thực chất họ cho rằng họ bình đẳng với nhà Thanh.[28] Các phái đoàn đi cống của Đại Nam ngoài việc đưa đồ tiến cống còn thực hiện việc trao đổi mua bán sản phẩm không có trong nước, vì Trung Quốc không cho phép thương nhân Đại Nam sang Trung Quốc, còn Đại Nam duy trì lệnh cấm dân chúng xuất cảnh để ngăn chặn việc xuất lậu vật phẩm sang Trung Quốc như gạo, muối, vàng bạc, đồng, sừng trâu, ngà voi, v.v...

Việc duy trì quan hệ triều cống chỉ có ý nghĩa tượng trưng, vì đến cuối đời Minh Mạng, cứ bốn năm một lần nhà Nguyễn mới phải cử sứ sang cống, đồng thời nhà Thanh cắt giảm yêu cầu vật phẩm triều cống cho triều Tây Sơn và nhà Nguyễn chỉ còn phân nửa so với nhà Lê, nên giá trị vật chất không đáng kể.[29] Tuy nhiên các đoàn đi sứ đều được lệnh ghi chép cẩn thận tình hình bên Trung Quốc để báo cáo lại cho nhà vua. Các sứ thần không hoàn thành nhiệm vụ này đều bị trách phạt. Đây có lẽ là một phần lý do khiến vua Minh Mạng có thể nhận định đúng việc nhà Thanh ngày càng suy yếu, và dự đoán chính xác nhà Thanh sẽ thất bại trong cuộc xung đột với nước Anh một khi cuộc chiến tranh Nha phiến nổ ra.[30]

Với Xiêm La

Thời Minh Mạng, giữa Xiêm La (Thái Lan, do nhà Chakri trị vì) với Đại Nam thường xảy ra chiến tranh. Trước đây, vua Gia Long và vua Minh Mạng có mối quan hệ tốt với các vua Rama I, Rama II nên hai nước Việt-Xiêm chưa xảy ra xung đột. Tuy nhiên, sau khi vua mới của Xiêm là Rama III lên ngôi, ông và Minh Mạng đã có thái độ thù nghịch nhau do không còn mối thâm tình như các vua trước. Năm 1827, vua Rama III cử tướng Chất Tri (tức Bodin) đem quân Xiêm sang xâm lược Vạn Tượng, vua xứ này là A Nộ (Anouvong) chống không nổi, phải cầu cứu triều đình Đại Nam. Minh Mạng sai Thống chế Phan Văn Thúy mang viện quân sang giúp nhưng bị quân Xiêm đánh bại. Năm 1828, Phan Văn Thúy và Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Khoa Hào tiếp tục đem 3.000 quân và 24 voi chiến đưa A Nộ về Trấn Ninh, rồi tiến vào Vạn Tượng (Vientiane) nhưng đạo quân Nhà Nguyễn – A Nộ lại bị quân Xiêm đập tan. Chán nản, vua Minh Mạng hạ lệnh bãi bỏ và chỉ phòng vệ ở vùng biên giới. A Nộ sau đó chạy về Trấn Ninh và bị bắt nộp cho quân Xiêm.[31]

Quân Xiêm được đà đánh sâu vào các miền phụ cận Quảng Trị. Thống chế Phạm Văn Điển cùng Tham tán Quân vụ Lê Đăng Doanh cùng với các đạo quân Nguyễn ở Lào phải đi ngăn quân Xiêm, đằng khác gửi thư trách cứ họ. Xiêm La trả lời khiêm nhượng rồi rút quân. Tuy vậy, họ vẫn ngấm ngầm giúp Chân Lạp nổi lên chống triều đình Nguyễn hoặc lấn lướt Vạn Tượng và các xứ quy phục triều đình.

Năm 1833-1834, theo lời kêu gọi của Lê Văn Khôi, Xiêm La mang đại quân xâm lấn Nam Kỳ nhưng bị quân Đại Nam đánh tan.

Với Ai Lao (Lào)

Thời Minh Mạng, lãnh thổ Đại Nam rộng lớn hơn cả.[32] Nhiều vùng ở Ai Lao đã xin thuộc quyền bảo hộ của Đại Nam. Các vùng mà ngày nay là Sầm Nứa, Trấn Ninh, Cam Môn (Khammuane) và Savannakhet giáp với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị đều được sáp nhập và trở thành các châu, phủ của Đại Nam.[32]

Với Chân Lạp

Từ năm 1833, sau khi phá được quân Xiêm, tướng quân Trương Minh Giảng cùng Tham tán Lê Đại Cương lập đồn Đại Nam gần Nam Vang (tức Phnôm Pênh) để bảo hộ Chân Lạp (Campuchia).

Cuối năm Giáp Ngọ (1834), vua Nặc Ông Chân (Ang Chan II) của Chân Lạp qua đời mà không có con trai nối dõi, quyền bính chuyển sang cho Trà Long và Lê Kiên - hai người Chân Lạp - làm quan cho Đại Nam. Đến năm Ất Mùi (1835), Trương Minh Giảng lập con gái Nặc Ông Chân là Công chúa Ang Mey (tức Ngọc Vân Công chúa) lên làm Cao Miên quận chúa. Trương Minh Giảng đổi nước Chân Lạp thành Trấn Tây Thành, rồi chia làm 32 phủ và 2 huyện, và đặt các chức quan cai quản mọi việc quân sự và dân sự.[32]

Nhưng quan lại người Việt ở Chân Lạp làm nhiều điều ức hiếp, nhũng nhiễu dân Chân Lạp; quân Nguyễn lại bắt Ngọc Vân quận chúa đem về Gia Định, đổi thành Mỹ Lâm quận chúa (do không còn nước Cao Miên nữa); đày các quan người Chân Lạp là Trà Long và Lê Kiên ra miền Bắc Đại Nam. Do đó dân Chân Lạp oán hận và nổi dậy chống quân Đại Nam ở khắp nơi.

Em trai của Nặc Ông Chân là Nặc Ông Độn (Ang Duong) và Ang Em (hoặc Ang Im) đã làm loạn với sự giúp đỡ của Xiêm La. Quan quân nhà Nguyễn đánh dẹp không nổi, nên sau khi vua Minh Mạng qua đời, quan quân Đại Nam phải bỏ Trấn Tây Thành mà rút về An Giang.[32]

Với phương Tây

Vua Minh Mạng không có thiện cảm với người châu Âu cũng như thái độ của người Á Đông trước đó, xem người Âu là bọn man di đi cướp bóc. Với những người Pháp đã từng giúp Gia Long trước kia, Minh Mạng tỏ thái độ lạnh nhạt nên khi ông Chaigneau trở lại Đại Nam không được trọng dụng nữa. Nhà vua cho Chaigneau hay rằng không cần phải ký thương ước giữa hai chính phủ, người Đại Nam vẫn đối xử tử tế với người Pháp là đủ, ông chỉ thỏa thuận mua bán với người Pháp, nhưng không chấp nhận thành lập quan hệ ngoại giao chính thức với nước Pháp, quốc thư của Pháp xin cho Chaigneau làm Lãnh sự Pháp cũng không được Minh Mạng đếm xỉa đến.

Thời bấy giờ, Đại Nam là nước Á Đông đầu tiên mà Hoa Kỳ muốn thiết lập quan hệ ngoại giao. Các năm 1833[33]1836, Tổng thống Hoa Kỳ Andrew Jackson đã gửi Đại sứ Edmund Roberts sang đàm phán với Minh Mạng về quan hệ mậu dịch song phương của hai nước nhưng đều không thành công. Chính sách thụ động này đã kìm hãm sự phát triển của Đại Nam.

Việc cấm đạo Công giáo

Cảnh hành hình giáo sĩ Pierre Borie năm 1838.

Minh Mạng cũng không thích đạo Công giáo của châu Âu. Từ khi lên ngôi, ông đã có ý không cho người ngoại quốc vào giảng đạo này ở trong nước. Đến năm Ất Dậu (1825), khi chiếc tàu Thetís vào cửa Đà Nẵng, có giáo sĩ tên Rogerot ở lại đi giảng đạo khắp nơi, Minh Mạng khi ấy mới ra dụ cấm đạo, và truyền cho quan quân phải khám xét các tàu thuyền của ngoại quốc ra vào cửa bể. Trong dụ nói rằng:

Đạo phương Tây là tà đạo, làm mê hoặc lòng người và hủy hoại phong tục, cho nên phải nghiêm cấm để khiến người ta phải theo chính đạo.

— Minh Mạng

Ông còn sai tìm nhiều giáo sĩ ở trong nước đem về kinh đô Huế để dịch sách Tây ra tiếng Việt, nhằm mục đích ngăn các giáo sĩ giảng đạo ở chốn hương thôn.

Theo Việt Nam sử lược, lúc bấy giờ không phải một mình nhà vua ghét đạo Công giáo mà thôi, phần nhiều các quan cũng đều một ý cả, cho nên sự cấm đạo ngày càng khắc nghiệt thêm. Nhưng mà dẫu cấm thế nào đi nữa, trong nước vẫn có người đi giảng đạo, Minh Mạng lại ra dụ lần nữa truyền cho tín đồ Công giáo phải bỏ đạo, và ai bắt được giáo sĩ đem nộp thì sẽ được thưởng. Năm ấy ở kinh đô có một giáo sĩ bị khép tội xử giảo, và ở các địa phương cũng rối loạn vì sự bắt và giết giáo sĩ.

Từ năm 1822, trong Nam ngoài Bắc có rất nhiều cuộc nổi dậy, nhà vua cho là dân đạo theo giúp các đạo quân nổi dậy, sự cấm đạo lại càng khắc nghiệt hơn. Từ năm Giáp Ngọ (1834) đến năm Mậu Tuất (1838), có nhiều giáo sĩ và giáo dân bị giết, nhất là từ khi bắt được Joseph Marchand (Cố Du), một giáo sĩ tham gia vào cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi. Các giáo sĩ phương Tây đã so sánh Minh Mạng với Nero - một hoàng đế La Mã đã bách hại hàng loạt các tín đồ Công giáo.[34][35] Tuy nhiên, các giáo sĩ phương Tây vẫn liều chết để truyền đạo cho được, có người còn phải đào hầm ở dưới đất hàng mấy tháng để truyền đạo.

Theo Việt Nam sử lược, từ năm 1838, vua Minh Mạng cảm thấy không thể nào cấm được các giáo sĩ truyền đạo Công giáo trong nước, ông bèn sai sứ sang Pháp để điều đình về việc này. Song khi sứ thần Đại Nam tới nơi, Hội Thừa sai Paris xin vua Louis Philippe I đừng tiếp. Sứ Đại Nam phải trở về, khi về đến Huế thì Minh Mạng đã qua đời.

Tuy nhiên theo Nguyễn Văn Kiệm trong cuốn Triều Nguyễn và lịch sử của chúng ta đã đánh giá lại việc cấm đạo của vua Minh Mạng với cái nhìn mới công bằng hơn: Lệnh bắt đạo của Minh Mạng tuy ngặt, có gây khó khăn và thiệt thòi cho tín đồ Công giáo, song trong khoảng hai thập kỷ dưới thời Minh Mạng, không hề diễn ra những cuộc tàn sát lớn đối với dân Công giáo. (...) có thể thấy chính sách của Minh Mạng đối với Công giáo về đại thể là có lý, có tình và khó có thể chê trách nếu đặt nó vào bối cảnh lịch sử cụ thể của nước ta lúc đó, khi họa xâm lăng đang tới gần. Riêng biện pháp cưỡng chế giáo dân bỏ đạo cùng với những hình phạt kèm theo là quá khắc nghiệt và cũng chính vì thế mà đã thất bại so với yêu cầu. Mặc dù biện pháp cưỡng chế bỏ đạo của Minh Mạng là đáng phê phán, song gọi Minh Mạng là "tên bạo chúa, là kẻ khát máu, là Nero của Việt Nam là một sự xuyên tạc sự thật lịch sử cần phải được đính chính".[36]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Minh_Mạng http://www.idref.fr/090162668 http://id.loc.gov/authorities/names/n95086685 http://d-nb.info/gnd/129849332 http://nguyenphuoctoc.net/de-pha/vuaminhmenh.htm http://isni-url.oclc.nl/isni/0000000036562305 http://www.baoquangninh.com.vn/van-hoa/dan-va-nguo... http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?Artic... http://doanthanhnien.vn/article/Chuyende/8496/1/pr... http://www.agu.edu.vn/ebooks/history/kham%20dinh%2... http://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn/noidung/tudien/...